SỐNG KHÔNG BIẾT NHỤC!

Trong buổi lễ kết nạp thành viên và ra mắt câu lạc bộ Chuyên Marketing của Trường Đại Học Công Nghiệp, một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho mình rằng cái tôi cá nhân có quan trọng hay không? Mình không trả lời câu hỏi đó mà nói với 200 bạn sinh viên có mặt ở hội trường là ai tự thấy cái tôi cá nhân là quan trọng thì giơ tay lên.

Có khoảng hơn 90% các bạn sinh viên đã giơ tay lên đầy hứng khởi.

Thực ra đây là một câu hỏi rất dễ trả lời. Vì nếu cái tôi cá nhân không quan trọng thì còn gì quan trọng nữa bây giờ? Không ai muốn trở thành bản sao của bất cứ một người nào khác. Chúng ta chỉ có thể nỗ lực trở thành chính bản thân mình, hoặc trở thành… không ai cả!

Nếu nghĩ theo chiều ngược lại, rằng cái tôi cá nhân của mình là quan trọng thì cái tôi cá nhân của người khác cũng quan trọng không kém. Vì thế chúng ta phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt khi làm việc nhóm. Tại vì ý thứ 2 của câu hỏi là làm sao để dung hòa giữa cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể?

Theo mình, sẽ không có sự khác biệt quá lớn về cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể. Vì nếu một tập thể nào đó có định hướng, sứ mệnh, mục tiêu… khác xa lý tưởng sống của bạn thì tại sao bạn lại phải tham gia vào đó để bây giờ vật vã trong đau khổ vì không thể chấp nhận nổi nhau? Có lẽ những câu hỏi kiểu như thế này chỉ xảy ra ở những bạn đã có lựa chọn sai xuất phát từ việc thiếu thông tin về hội nhóm mà chỉ đăng ký cho vui, đăng ký theo phong trào hoặc giả là do chính cá nhân bạn chẳng hiểu nổi bản thân, rằng mình đang sống vì cái gì và đâu là mục tiêu quan trọng của cuộc đời.

Một bạn khác hỏi anh tham gia facebook để làm gì?

Mình trả lời ngay, mình tham gia facebook vì lý do ĐƯỢC NÓI. Hàng ngày chúng ta vẫn đang thao thao bất tuyệt ở đủ mọi nơi, nhưng thực ra đó không phải là nơi chúng ta được nói. Vì đó không phải là diễn đàn của chính chúng ta.

Ở tại gia đình, chúng ta thường đưa ý kiến trong diễn đàn của cha mẹ và thường sẽ phải chịu sự áp đặt theo truyền thống Á Đông. Sẽ thật hạnh phúc nếu như trong một gia đình mà con cái được tự do bày tỏ quan điểm của chính mình, nhưng số lượng đó có vẻ không nhiều. Ra ngoài xã hội chúng ta phải nói trong diễn đàn của những kẻ lắm tiền, khác biệt về tư duy suy nghĩ và ít khi chịu lắng nghe. Đi vào công sở chúng ta lại phải nói trong diễn đàn của sếp nhỏ, sếp lớn và sếp tổng.

Vậy thì tại sao không bày tỏ quan điểm ở trên facebook, blog hay nhật ký cá nhân truyền thống? Đó là nơi chúng ta được nói. Đó là diễn đàn của chính chúng ta. Càng có nhiều kinh nghiệm sống và trải nghiệm, các bạn sẽ càng nhận ra một điều rất đau khổ rằng tôi muốn nói, tại sao không ai cho tôi được nói? Vậy thì hãy thoải mái nói đi.

Và để làm được điều đó, chúng ta cần dũng cảm.

Rất nhiều bậc đàn anh, cha chú nói với bạn rằng hãy dũng cảm, hãy dấn thân và hết lòng thực hiện lý tưởng sống của chính mình. Rất nhiều diễn giả, nhiều cuốn sách, nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng mềm cũng nói với bạn y chang như vậy. Hãy dũng cảm để thành công. Nhưng làm sao để dũng cảm bây giờ? Làm sao để vượt qua được những rào chắn trong suy nghĩ của bản thân? Mình thì nói với các bạn sinh viên một cách trần tục hơn, rằng các bạn muốn thành công thì phải tập cách sống và làm việc KHÔNG BIẾT NHỤC.

Bạn không thể cất lời ở giữa đám đông để nói lên những điều suy nghĩ vì bạn sợ nếu sai thì mọi người chê cười và mang nhục. Bạn không dám đưa ý tưởng lên cho sếp duyệt vì sợ không khả thi thì mang nhục. Bạn cứ ngồi một chỗ chờ một công việc như ý trong một công ty bự bự từ trên trời rớt xuống chứ không sẵn sàng làm những việc “level thấp” ở các công ty nhỏ nhỏ vì sợ nhục…

Khoảng năm học lớp 7 hay lớp 8, có một lần (như nhiều lần khác), sau khi lấy hết can đảm vẫn chẳng dám giơ tay lên bảng chữa bài thì tôi đã để mất cơ hội vào tay một người “dũng cảm” hơn. Thật đáng tiếc là bạn đó làm sai, sai một cách rất ngô nghê và căn bản. Kết quả là cả lớp cười rần rần và bạn đó đi về trong sự “xấu hổ và ê chề nhục nhã”. Đến cuối giờ học ngày hôm đó, tôi rủ bạn đi đá cầu nhưng bạn nhất quyết không chịu và nói chỉ muốn ngồi một mình vì đang xấu hổ. Tôi ngớ người ra hỏi mày xấu hổ chuyện gì? Và phải mất một lúc sau tôi mới nhớ ra rằng hồi đầu giờ bạn đã làm sai, và đã mang nhục trong một khoảng thời gian… cực ngắn!

Từ đó, tôi chợt nhận ra một điều rằng thực ra nhục không có gì đáng sợ. Vì mỗi người chúng ta đều có quá nhiều việc quan trọng phải bận tâm, hơn là dành ra cả ngày cả tháng cả đời để đi khinh thường người khác. Nói chúng, chúng ta đắm chìm trong những nỗi nhục do chúng ta tưởng tượng ra nhiều hơn là những lời xì xào mà thiên hạ có thể nói về chính chúng ta.

Để thành công cần biết nắm bắt nhiều cơ hội, dựa trên nền tảng của lòng dũng cảm. Và lòng dũng cảm được cụ thể hóa thành một thứ rất đời thường vô cùng dễ hiểu, là không biết nhục.

Nguyễn Ngọc Long

TM

Người Ăn Mày

Tác giả: Vô Danh

 

Một người ăn mày đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, cánh tay bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày: “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch      này ra nhà sau đi”.

 

Người ăn mày giận dữ nói: “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác?”

 

Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói: “Ngươi thấy đấy, không phải chỉ dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?”

 

Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị, trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống 2 lượt. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.

 

Nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ; chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô-la, người ăn mày cảm kích nói:  “Cảm ơn bà”  – “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình”.

 

Người ăn mày nói: “Tôi sẽ không quên bà, để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy”.

 

Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường.

 

 

Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói: “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.

 

Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác.

 

 

Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ:  “Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?”.

 

Người mẹ nói với con rằng:  “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau”.

 

Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt.

 

 

Nhiều năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang như những người thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân nay đã có phần già đi:  “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.

 

Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:  “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”.

 

Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói:  “Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được” – “Tại sao?” – “Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay”.

 

Người chủ tịch tuy đau lòng nhưng vẫn kiên trì:  “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Cách.  Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi”.

 

Người phụ nữ nói: “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả !”./.

 

Nguồn http://www.gocnhinalan.com

QUYẾT ĐỊNH LỰA CHỌN PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

Khát Vọng Trẻ : Khơi dậy đam mê * Lan tỏa tri thức
♥************♥
Có thể nói: thành công không do cơ hội mà chính là do sự lựa chọn của chúng ta đối với cơ hội đó. Và ngày hôm nay, tôi chia sẽ với các bạn một bài học về sự lựa chọn để thành công hơn trong công việc và cuộc sống. Đó là lựa chọn để phát triển bản thân không ngừng.

Các bạn trẻ thân mến, thế giới chúng ta đang sống ngày nay, luôn luôn thay đổi và tốc độ thay đổi rất nhanh đến chóng mặc. Những kiến thức chuyên môn, những kỹ năng mà chúng ta học được trước đây có thể đã lỗi thời với cuộc sống, với môi trường thay đổi không ngừng như ngày nay. Để thành công bạn phải thay đổi. Thay đổi là một trong những yếu tố quyết định đến thành bại của mọi người trong cuộc sống, là yếu tố để phân biệt người thành công và kẻ thất bại. Trong khi những người thất bại tự hào về những kiến thức mình học được, thì người thành công lại trao dồi kiến thức, kỹ năng đó không ngừng. Và công việc đó được gọi là: “Phát triển bản thân”.

Họ là những người đã, đang và sẽ thay đổi và phát triển bản thân của mình không ngừng để bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới. Chính sự thay đổi đó, đã giúp họ không ngừng vươn lên trong cuộc sống và đạt được những mục tiêu trong cuộc đời, hạnh phúc hơn thành công hơn, vui khỏe hơn và có giá trị hơn mỗi ngày. Giống như công ty Microsoft, mặc dù những phần mềm của mình đã rất tốt, nhưng Bill Gate, vị chủ tịch và ông chủ của Microsoft luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thay đổi, không ngừng cải tiến và hoàn thiện chất lượng của những phần mềm của mình bằng cách làm lỗi thời những sản phẩm cũ thay vào đó là những phần mềm được nâng cấp lên, nhiều tiện ích hơn, chất lượng tốt hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Chính vì thế, Microsoft là một trong những công ty phần mềm nổi tiếng và thành công nhất trên thế giới ngày nay. Trong kinh doanh, người ta gọi đó là phát triển công ty. Việc thay đổi và phát triển bản thân không ngừng cũng góp phần tạo nên sự khát biệt và thành công hơn trong cuộc sống!

Câu hỏi đặt ra ở đây là: để phát triển bản thân chúng ta cần phải làm gì?

Có nhiều người nói với tôi rằng để thay đổi bản thân thì phải cố gắng học thật nhiều, để có nhiều chứng chỉ và bằng cấp. Giống như học từ tiểu học lên trung hoc, lên đại học xong lên thạc sỹ và tiến sỹ vậy? Tuy nhiên, đó là một phần trong việc phát triển bản thân. Ngay bây giờ, tôi xin chia sẽ với bạn 3 cách để phát triển bản thân, đó là:

Học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân và của người khác

Việc học hỏi từ bản thân mình thông qua việc tập trung, quan sát và phân tích. Ví dụ, khi có sự việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta, bao gồm những việc vui, buồn, hạnh phúc, thành công hay thất bại của ta trong quá khứ thì chúng ta phải tập trung, quan sát và phân tích bằng việc trả lời câu hỏi, tại sao việc đó lại xảy ra như vậy? Chúng ta rút ra được bài học gì từ sự kiện ấy? Và nếu gặp nó trong tương lai chúng ta sẽ hành xử khác đi như thế nào?…Bằng việc trả lời những câu hỏi trên chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học, những kinh nghiệm, những triết lý sống cho bản thân của mình.

Học hỏi từ người khác, bao gồm việc học từ người thành công lẫn người thất bại. Người thành công sẽ dạy cho bạn biết cách làm thế nào để thành công một cách nhanh chóng còn người thất bại sẽ cho bạn biết những cách làm không hiệu quả để bạn tránh xa. Ngoài ra, chúng ta có thể học hỏi từ người khác bằng việc tham gia những buổi hội thảo, những khóa học của những diễn giả, những chuyên gia đã thành công trong lĩnh vực của đó…Bằng việc học hỏi từ người khác, chúng ta sẽ đút rút ra được nhiều bài học hay, những kinh nghiệm, những kiến thức và kỹ năng quan trọng để rút ngằn thời gian cũng như cái giá phải trả cho thành công.

Đọc sách

Sách là một kho tàng kiến thức quý báo cho con người chúng ta trong cuộc sống này và đọc sách là cách rút ngắn thời gian để trao dồi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Mỗi cuốn sách hay là một cơ hội để thay đổi và phát triển bản thân mình. Tất cả chúng ta, ai cũng đều biết tầm quan trong của việc đọc sách, tuy nhiên không phải ai cũng lựa chọn việc đọc sách. Chẳng phải chúng ta, từ khi cắp sách đến trường cho đến khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và thậm chí là tiến sĩ chúng ta đọc và học rất nhiều từ những quyển sách giáo khoa, sách chuyên nghành giúp mình nắm bắt được những kiến thức hay để vận dụng trong công việc sau này của mình. Để từ đó mà chúng ta biết được các công thức về toán học, vật lý, về công thức hóa học…để từ đó vận dụng vào công việc. Và để phát triển bản thân chúng ta cũng cần đọc những cuốn sách viết về suy nghĩ, thái độ về tư duy của những người thành công và giàu có để mở mang đầu óc và từ đó giúp chúng ta có những suy nghĩ sắc bén hơn, linh hoạt hơn. Khi chúng ta làm được điều đó, chúng ta sẽ tận dụng tối đa sức mạnh tiềm năng của não bộ.

Kết thân với những người bạn tốt

Trước khi nói đến lợi ích từ việc kết thân với người bạn tốt, chúng ta cần phải hiểu người bạn tốt là người như thế nào? Người bạn tốt ở đây được hiểu là người luôn biết yêu thương, quan tâm, lo lắng và tôn trọng mọi người, một người luôn vui vẻ, lạc quan và có tư duy mở. Từ “mở” ở đây có nghĩa là sẵn sàng thay đổi, đón nhận và học hỏi những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chính những người bạn ấy sẽ là nguồn động viên tinh thân cho chúng ta mỗi khi ta mất lửa và gặp thất bại, những người bạn ấy là nguồn động lực to lớn cho chúng ta tiến lên và phát triển, và những người bạn đó sẽ cho chúng ta những bài học, những triết lí sống rất hữu ích. Như các cụ ta vẫn thường nói: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Điều đó nói đến tầm quan trọng của việc chọn bạn mà chơi, cụ thể là bạn sẽ trở nên giống như những người bạn mà bạn tiếp xúc nhiều.

Trong quá trình học tập và phát triển bản thân của mình các bạn nên có cho mình một cuốn sổ nhật ký để ghi chép lại những kiến thức, những kỹ năng và những phương pháp cũng như những triết lý sống có ích cho ta trong cuộc sống. Và thỉnh thoảng chúng ta lại mở cuốn nhật ký đó xem lại những điều mà mình đã học và chiêm nghiệm được. Và theo như quy luật tập trung của vụ trũ, những thứ bạn tập trung vào sẽ phát triển và kết quả sẽ hiện lên. Đi theo đó là bản thân của bạn sẽ phát triển và tạo ra những bứt phá trong cuộc sống.

Cuối cùng, hy vọng rằng với bài chia sẽ này sẽ giúp mọi người đặc biệt là những bạn trẻ chúng ta có những cái nhìn sâu sắc hơn và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển bản thân đối với sự thành bại của mình trong cuộc sống. Và cuối cùng, điều tôi luôn mong muốn là các bạn sẽ có những lựa chọn sáng suốt cho riêng bản thân mình. Chúc các bạn thành công hơn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống!

GỬI CÁC BẠN SINH VIÊN NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA MỘT NGƯỜI TRẺ TUỔI:

Giờ này có thể bạn đang ngủ rất ngon. Tôi thì không dù đồng hồ chỉ đúng 5h sáng. Mấy nay cứ trăn trở nhiều thứ, thức khuya lắm! Nhiều khi cũng thắc mắc không biết mình có phải 25 tuổi không? Thấy mình già so với tuổi quá.
Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!
Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.
Có quá nhiều câu chuyện kể về những con người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, cùng cực để rồi họ có động lực vươn lên thành công. Tôi từng đọc và cả tiếp xúc với những con người ấy và tôi nghĩ: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ có động lực vươn lên như họ thôi”. Hoặc cũng không thiếu những câu chuyện về những người thành công được sinh ra trong một nền tảng gia đình rất tốt, ba mẹ đều thành công và họ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tôi cũng biết và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhóm này, rồi tôi cũng từng nghĩ: “Gia đình họ có điều kiện và nền tảng như vậy, việc họ thành công không có gì đáng ngạc nhiên cả”. Nếu bạn cũng có những suy nghĩ giống như tôi cho hai trường hợp trên, thì tôi chia sẻ rằng đó chỉ là sự biện hộ thôi. Cả hai nhóm người trên đều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi thì thuộc nhóm người ở giữa và tôi nghĩ mình giống đa số các bạn. Nói một cách văn vẻ đây là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình về nhiều mặt. Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá nghèo (tuy là hơi nghèo vào cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình nào cũng vậy thôi). Tôi học không xuất sắc, nhưng cũng không dở. Tôi không tự ti, nhưng cũng chẳng tự tin về mình lắm. Tôi không có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, nhưng cũng có không ít bạn bè,… Tôi nói như vậy chỉ để muốn chia sẻ với bạn rằng ai cũng có thể vươn lên cho dù xuất thân trong hoàn cảnh gia đình như thế nào, thành tích học tập ra sao, thông mình vừa vừa, thông minh kiệt xuất, hay ngu si đần độn,… Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả trách nhiệm của mình. Ai cũng có thể vươn lên!
Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều bạn sinh viên.
Trong một lần tọa đàm thân mật với khoảng 20 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau, có một bạn sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế hỏi tôi rằng: “Anh ơi, trong 4 năm học đại học, em không tham gia hoạt động hoặc đi làm thêm gì hết, vậy thì bây giờ em điền cái gì vào CV để xin việc đây anh?”. Khi tôi hỏi ngược lại những người tham dự hôm ấy là ai cũng ở trong tình trạng giống vậy, thì quá ngạc nhiên là khoảng 60% cánh tay giơ lên. Trời ơi! Tôi chỉ muốn hét thật to với nhóm bạn trẻ đó (may là tôi giữ được sự bình tĩnh để từ tốn chia sẻ): “Các em ơi, sao các em đi tìm một thứ mà chắn chắn là không có trên đời này vậy? Các em muốn thành công mà không phải trả giá? Các em muốn học giỏi mà không có những đêm thức trắng vùi đầu vào đèn sách sao? Làm gì có cái thứ đó trên đời này”. Tôi đang nói đến một tư duy vô cùng nguy hiểm ở các bạn sinh viên, tư duy mì ăn liền. Cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng muốn người ta mang đến dâng cho mình, ngồi rung đùi mà hưởng trái ngọt.
Khi huấn luyện một khóa học với chủ đề “Sẵn sàng cho sự nghiệp”, tôi ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều bạn sinh viên mong muốn bước vô khóa học để được nghe về cách trả lời phỏng vấn, cách viết CV sao cho hay, cách làm sao để thi đậu vào chương trình MT (Management Trainee – đây là một cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ của các tập đoàn đa quốc gia rất được giới sinh viên quan tâm). Nói chung là các bạn cần những cái có thể xài được liền, tạo kết quả ngay tức thì. Thực dụng không có gì là xấu cả, tuy nhiên nó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một nền tảng nhận thức vững chắc về sự nghiệp, về tư duy lãnh đạo, về phong cách làm việc, về văn hóa ứng xử nơi công sở,… Hay nói một cách khác là nội lực của bạn có mạnh thì kỹ năng mới phát huy tác dụng. Khi hỏi thăm thì tôi biết được các bạn rất ít tham gia vào những hoạt động xã hội, các câu lạc bộ đội nhóm và nỗ lực vươn lên nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau. Vậy mà ai cũng muốn thi đậu vào MT? Tôi giả sử các bạn may mắn trả lời phỏng vấn tốt để vào được chương trình này, thì liệu bạn có “sống” và tỏa sáng được trong đó hay không là điều bạn cần suy nghĩ. Tôi rất tâm đắc với cách nhìn nhận của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung rằng “Ta là sản phẩm của chính mình”, vậy thì cái sản phẩm BẠN ngày hôm nay có cạnh tranh được với những “đối thủ” khác về tư duy, nhận thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng,… hay không? Đối với đồ ăn thì người ta cũng ráng suy nghĩ cho ra những phương cách “mì ăn liền” để đáp ứng với đỏi hỏi ngày càng gắt gao và cạnh tranh của xã hội, nhưng với thành công thì làm sao có thể như vậy được?
Tư duy thứ hai là tư duy đòi hỏi. Các bạn đòi hỏi nhiều quá, nhiều hơn những gì các bạn bỏ ra. Các bạn sinh viên đa số đều rất tự tin về kiến thức của mình, đó là con dao hai lưỡi. Tự tin là tốt, nhưng tự tin bao nhiêu thì cần phải nỗ lực chui rèn bản thân không ngừng. Các bạn đang dán cái mác “ĐẠI học” quá lớn vào mình để kết luận rằng kiến thức đã đủ cho công việc và mình có quyền đòi hỏi công ty phải trả mức lương tương xứng với 4 năm dùi mãi kinh sử trên ghế nhà trường. Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường, bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng!
Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được, không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được. Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này.
Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá. Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm. Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng tiếc thành công.
Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn. Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy? Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình. Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân sau khi tốt nghiệp,… Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầ; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ!
Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi?
Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.
5h sáng ngày 3/7/2012

Tác giả: Vũ Đức Trí Thể.

Sao cứ phải là đại học … !

Ngày nay, không ít người đang cố tình chạy theo hư danh, chạy theo các giá trị ảo vì chính họ cũng đang ảo tưởng về mình. Người thành đạt không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà chủ yếu thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua giá trị thực chính họ tạo nên cho xã hội. Xã hội sẽ không bao giờ chỉ đánh giá con người qua bằng cấp nếu sống thật với con người mình. Nếu biết mình đang là ai, như thế nào và đang ở đâu thì chúng ta có thể làm chủ hành vi để thành công và hạnh phúc, để tự hào và mãn nguyện với giá trị thật của mình

         .

Có thể nói việc đất nước có nhiều người trình độ đại học là thông tin đáng vui nhưng sẽ vui hơn, sẽ ít có những nỗi buồn bất chợt hơn, sẽ ít có những hành vi nông nổi hơn khi tấm bằng đại học không trở thành một giá trị đầy áp lực có thể chứa đựng nhiều khủng hoảng và đắng cay.

Tại sao nhiều người quá căng thẳng để tìm đường vào đại học bằng mọi giá như thế? Tại sao tấm bằng đại học hấp dẫn người ta đến thế?

Nhầm lẫn việc học với tấm bằng

Một xã hội coi trọng việc học là xã hội văn minh, học là con đường duy nhất để có thể tiến bộ không ngừng và thành công, hạnh phúc. Một xã hội học tập đang được phát động và được công chúng ủng hộ, nhưng nhiều người nhầm lẫn việc học với việc phải có được tấm bằng. Sự nhầm lẫn đáng tiếc này có thể có nhiều nguồn gốc, nhưng có điều ai cũng biết ngày nay nếu không có bằng cấp thì rất khó xin được việc làm, đôi khi kể cả một công việc không cần bằng cấp.

Có một mâu thuẫn xuất hiện trong nhận thức của nhiều người, kể cả người làm công tác tuyển dụng: tuy không tuyệt đối hóa bằng cấp nhưng khi xem xét trình độ, năng lực của một người, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là văn bằng như thế nào bởi không có cách nào khác để tin cậy hơn là căn cứ vào bằng cấp.

Thực chất vấn đề không phải là giá trị thực của văn bằng mà chỉ là để đúng thủ tục và yên tâm về mặt tâm lý khi tri giác và hiểu biết một con người. Bằng cấp trong trường hợp này chỉ là điều kiện cần để được thử sức, thử việc mà thôi, nếu sau thời gian thử việc ai đó thể hiện năng lực không tương xứng với tấm bằng sẽ không được chấp nhận, lúc đó giá trị thật của văn bằng mới được kiểm nghiệm.

Sự nhầm lẫn giữa học và bằng cấp thể hiện ở nhận thức đơn giản là: hãy cứ có bằng đại học trước đã, việc gì rồi sẽ tính sau và thế là nhiều người tìm cách thi hoặc ghi tên học đại học bằng mọi giá để có được tấm bằng. Bằng đại học vì thế trở thành niềm hi vọng đổi đời, trở thành tấm vé thông hành khẳng định giá trị của nhiều người.

Ngày nay, một số người đánh giá giá trị của con người thông qua việc sử dụng hàng hiệu, thông qua phương tiện vật chất và thông qua cả những tấm bằng đại học, vậy nên mới có tình trạng mua bằng chạy học… Học đại học trở thành người có trình độ cao để bản thân hạnh phúc, rạng danh gia đình và phục vụ xã hội là điều được mọi người đề cao, nhưng học đại học chỉ để “trang trí” và cho bằng thiên hạ chắc sẽ trả giá thật cao cho chính sự hoang phí của bản thân.

ĐH không phải là con đường duy nhất

Ngày nay, xã hội cần nhiều người có trình độ cao được đào tạo bài bản ở các trường đại học để phát triển đất nước nhưng cũng rất cần nhiều người thành thạo chuyên môn, tay nghề vững chắc được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trở thành người lao động có trình độ tiên tiến.

Tạo áp lực tâm lý phải có bằng đại học sẽ vô tình đẩy các bạn trẻ vào vòng quay hình thức để không ít người thất vọng và có thể căng thẳng đảo điên vì cứ trượt dài trên bậc thang không bao giờ tới. Xin hãy đề cao những người thành đạt với xuất phát điểm không phải với bằng đại học, xin hãy tôn vinh những người công nhân lành nghề thứ thiệt đang miệt mài lao động để sống vui và góp sức mình phát triển đất nước.

Trong gia đình, cha mẹ nào cũng muốn con mình thành đạt và làm mình nở mặt nở mày, nhiều người không cần biết sức học của con và nhất mực yêu cầu con phải vào được đại học. Nhiều bạn trẻ không chịu nổi sự căng thẳng vì nhiệm vụ “bất khả thi” nên đã buông thả, mặc kệ hoặc có những hành vi thiếu kiềm chế để lại sự hối hận không bao giờ nguôi cho người lớn. Nếu không bắt đầu từ thực tế, từ khả năng, từ thực lực của con, người lớn có thể vô tình tạo áp lực không đáng có nhiều khi khủng khiếp làm các bạn trẻ quay cuồng, mất hết sáng tạo, không đủ tự tin và có lúc tuyệt vọng khi giấc mơ đại học không thành sự thật.

Ai cũng có ước mơ, ai cũng mong thành đạt nhưng vào được đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, không phải là mục tiêu duy nhất của con người. Xã hội, gia đình và chính bản thân mình không chấp nhận các giá trị ảo, không quá đề cao tính hình thức của vấn đề thì nhận thức sẽ thay đổi, áp lực sẽ bớt và hiển nhiên những hành vi manh động, thủ ác trong nhà trường chắc sẽ bớt dần theo năm tháng.

ĐINH PHƯƠNG DUY

Những bài thơ về lẽ sống của chúng ta

¤۩¤ thông thái đi học ¤۩¤

Những bài thơ về lẽ sống của chúng ta

Ảnh: (Chungta.com)
Bùi Quang Minh – Cuộc đời con người có lúc thăng, lúc trầm, lúc thế này, lúc thế kia nhưng cốt cách của con người lúc nào cũng có, bạn phải có trách nhiệm hoàn thành kiếp nhân sinh của mình, mà người Nga gọi là bạn phải tự cho thấy bạn là loại thép nào, xứng với “Thép đã tôi thế đấy” không.Những người nỗ lực lao động của họ mang lại nhiều giá trị lớn lao cho xã hội sẽ luôn luôn thấy mãn nguyện về mình, được người đời đề cao, ngưỡng mộ. Để làm được điều lớn lao, những người đó phải chọn được lẽ sống đúng cho mình, và sống phải lẽ theo lẽ sống ấy, không bị những điều vô nghĩa, những cạm bẫy, những điều xã hội không mong…

Xem bài viết gốc 1 106 từ nữa

GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHỔ LUYỆN

Cach-tri-seo-ro-tren-mat-bang-bot-ngoc-trai.jpg1234.jpg-12345.jpg123456

“ Một người nuôi trai lấy ngọc luôn suy nghĩ làm thế nào để tạo được viên ngọc trai tốt nhất, đẹp nhất trên đời. Ông ra bãi biển để chọn một hạt cát và hỏi từng hạt cát có muốn biến thành ngọc trai không. Các hạt cát đều lắc đầu nguầy nguậy khiến ông sắp tuyệt vọng. 

Đúng lúc đó có một hạt cát đồng ý, các hạt cát khác đều giễu nó ngốc, chui đầu vào trong vỏ trai, xa lánh người thân, bạn bè, không thấy ánh mặt trời, trăng sao, gió mát, thậm chí thiếu cả không khí, chỉ có bóng tối, ướt lạnh, cô đơn, rất đau buồn, thử hỏi có đáng không? Nhưng hạt cát vẫn theo người nuôi trai về không một chút oán thán. 

Vật đổi sao dời, mấy năm qua đi, hạt cát đã trở thành viên ngọc lung linh, đắt giá, còn những bạn bè chế giễu nó ngốc thì vẫn chỉ là những hạt cát”.

Nếu nói trên thế gian này có “phép biến đá thành vàng” thì đó là “gian nan và đau khổ”. Những thành quả huy hoàng, sự nghiệp vĩ đại của loài người, đều phải trải qua những vất vả gian nan mới đạt được, đó chính là giá trị của sự đau khổ.

  Theo Bài học thành công